BIỂU MẪU TÀI LIỆU

Phân biệt sử dụng hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hoá đơn

PHÂN BIỆT SỬ DỤNG HOÁ ĐƠN BẤT HỢP PHÁP VÀ SỬ DỤNG BẤT HỢP PHÁP HOÁ ĐƠN

Hai thuật ngữ pháp lý này thường được sử dụng nhầm lẫn trong lĩnh vực vi phạm hành chính về hoá đơn. Theo đó, Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 quy định phân biệt hai hành vi này như sau:

Hoá đơn giả

Sử dụng hoá đơn, chứng từ giả là hành vi sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp (Ảnh minh hoạ).

** Các hành vi sử dụng hoá đơn, chứng từ sau đây được xem là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp:

- Hóa đơn, chứng từ giả;

- Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

- Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

- Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

- Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

- Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

(Hiện hành Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng).

** Các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ là hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ gồm:

- Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định;

- Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

- Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

- Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

- Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ;

- Hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định.

(Hiện hành quy định sử dụng bất hợp pháp hoá đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Theo nguồn TVPL

Bài viết liên quan:

  •          8 điều phải biết khi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123
  • ·     Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC về thuế, hóa đơn