QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

6 Phương thức giao hàng trong chuỗi cung ứng

6 PHƯƠNG THỨC GIAO HÀNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG

            Ngoài chất lượng sản phẩm, hoạt động giao hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định hành vi mua sắm của khách hàng. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về đặc điểm và cách thức vận hành của 6 mô hình giao hàng phổ biến trong chuỗi cung ứng.

I. Tầm quan trọng của giao hàng và mô hình giao hàng

            Xét trong tổng thể chuỗi cung ứng, giao hàng là hoạt động trọng yếu, là mạch máu kết nối tất cả các thành viên trong chuỗi. Hàng hóa ở đây có thể dưới dạng nguyên vật liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm cuối cùng. Vì thế, việc vận chuyển những hàng hóa trên phải có sự hợp tác giữa các bên: nhà cung cấp với vai trò vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà sản xuất, nhà sản xuất tạo ra bán thành phẩm hoặc thành phẩm, lại giao cho các trung tâm phân phối hoặc giao trực tiếp cho các nhà bán lẻ, hàng hóa từ đó tiếp tục được giao đến tay người tiêu dùng.

            Giao hàng cũng là ấn tượng cuối cùng của khách hàng về doanh nghiệp của bạn. Vì vậy, nếu họ có trải nghiệm không tốt, có thể sẽ dẫn đến việc họ rời bỏ sản phẩm với cái nhìn tiêu cực về thương hiệu, đồng thời sẽ không còn nhu cầu mua hàng lại với doanh nghiệp (re-purchase).

            Để tiếp cận một cách tổng quát và toàn diện hơn thì bài viết sẽ thảo luận dựa trên 6 hình thức giao hàng từ nhà sản xuất đến khách hàng cuối cùng. Đó là các hình thức sau:

Untitled.png

1. Giao hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất (manufacturer storage with direct shipping)

            Trong phương thức này, hàng hóa được chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, bỏ qua khâu lưu trữ hàng hóa tại các nhà bán lẻ.

Phương thức này còn được gọi là Dropshipping. Dropshipping cho phép các nhà bán lẻ không cần nhập hàng, chỉ cần liên lạc với nhà sản xuất. Khi có đơn hàng phát sinh, nhà cung cấp sẽ giao hàng cho người mua với thông tin bán hàng từ nhà bán lẻ. Mô hình bên miêu tả cách thức hoạt động của phương thức này.

Phương thức này được sử dụng bởi một số Công ty như Amazon, eBags hoặc Nordstrom.com. Họ sẽ nhận thông tin về đơn hàng từ các nhà bán lẻ (bao gồm cá nhân và doanh nghiệp) rồi giao hàng trực tiếp cho khách hàng.

2. Giao hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất thông qua trung gian kết hợp (manufacturer storage with direct shipping and in-transit merge)

            Trong phương thức này, hàng hóa, thường là bán thành phẩm, sau khi được sản xuất tại nhà máy sẽ được vận chuyển đến một khu vực khác có tên gọi là In-Transit Merge. Khu vực này có chức năng tiếp nhận các bộ phận của một sản phẩm đến từ nhiều địa điểm vật lý khác nhau, sau đó tiến hành lắp lắp và vận chuyển thành phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Ví dụ, trong vận chuyển một bộ máy tính PC, màn hình có thể đến từ East Coast và CPU có thể đến từ West Coast của Mỹ. Phương thức này ra đời đã giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian hoàn thành sản phẩm, thời gian giao hàng một cách đáng kể.

            Dell là hãng máy tính sử dụng phương thức giao hàng này. Chuỗi cung ứng của Dell phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường, tức Dell chỉ cung cấp đủ nhu cầu, không dự trữ thành phẩm tồn kho.

            Tại Dell, hàng tồn kho luôn tồn tại ở dạng bán thành phẩm, không có tồn kho thành phẩm do linh kiện được nhập chỉ đủ để lắp ráp cho số đơn hàng trực tuyến được xác định trước. Dell cùng các nhà cung cấp linh kiện khác, vận chuyển các bán thành phẩm đến nhà máy lắp ráp của mình (trường hợp này là In – Transit Merge) trong khoảng thời gian chính xác là 90 phút. Sau đó, công đoạn lắp ráp diễn ra.

Khi giao thành phẩm cho khách hàng cuối cùng, Dell sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ Logistics 3PL hay 4PL như Traid, APL hoặc Eager. Các nhà cung cấp dịch vụ Logistics này có nhiệm vụ vận chuyển thành phẩm từ mô hình Merge In Transit đến với khách hàng. Phương thức giao hàng này giúp tối ưu hóa dây chuyền lắp ráp của Dell cũng như cắt giảm các chi phí vận chuyển không cần thiết.

3. Giao hàng từ kho nhà phân phối (distributor storage with carrier delivery)

            Nếu trong hai phương thức trước, hàng tồn kho được lưu trữ tại các nhà máy sản xuất thì trong trường hợp này, hàng hóa không được lưu trữ tại đây mà ở một khu vực khác được gọi là Intermediate warehouses. Đây được hiểu là nhà kho riêng của các bên phân phối và bán lẻ. Hàng hóa sau khi vận chuyển đến các nhà kho này sẽ tiếp tục được đóng gói và chuyên chở đến người tiêu dùng.

            Amazon là ví dụ tiêu biểu cho việc áp dụng phương thức trên. Hệ thống kho hàng của Amazon nổi bật với hơn 110 kho hàng quy mô lớn trên toàn thế giới, trong đó có tới 64 kho rải khắp Hoa Kỳ. Mỗi kho hàng đều được đặt ở những vị trí chiến lược, nằm gần những trung tâm tiêu thụ lớn với hệ thống giao thông thuận lợi. Hàng hóa từ kho này sẽ được phân phối đến khách hàng theo đơn đặt hàng của họ.

4. Giao hàng từ kho nhà phân phối kết hợp giao hàng chặng cuối (distributor storage with last-mile delivery)

             Last Mile Delivery (tạm dịch là giao hàng chặng cuối) là hình thức hàng hóa được chuyển từ kho hàng của nhà phân phối hoặc các nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Khác với phương thức 3, phương thức này không sử dụng package carrier mà quá trình vận chuyển được thực hiện bởi chính chủ kho hàng và nhà bán lẻ.

            Tại Việt Nam, Công ty thương mại điện tử Tiki (Tiki Corporation) đã và đang áp dụng thành công phương thức trên. Với tiêu chí lấy trải nghiệm của người dùng làm ưu tiên hàng đầu, năm 2017, Tiki.vn ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh TikiNow “Mua hàng Tiki – Nhận trong 2 tiếng”.

Theo đó, mọi sản phẩm có biểu tượng 2h đặt qua Tiki.vn đều có thể giao đến tay người tiêu dùng trong vòng 2 tiếng. Không những thế, để đảm bảo giao hàng nhanh chóng, Tiki còn đầu tư hệ thống kho bãi quy mô và rộng khắp các thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, Tiki hiện có một đội ngũ riêng để chuyên môn hóa hoạt động giao hàng của mình.

5. Nhận hàng từ nơi lưu trữ của nhà sản xuất/nhà phân phối (manufacturer/distributor storage with customer pickup)

            Đối với phương thức này, hàng hóa được chứa trong kho của nhà máy sản xuất hoặc nhà phân phối. Sau đó, khách hàng tự đến những địa điểm này để lấy hàng.

            Metro Cash & Carry có lẽ là cái tên đáng nhớ nhất khi tiên phong ứng dụng phương thức này, tự tạo lối đi riêng để trở nên đặc biệt trong thị trường bán lẻ và phân phối. Năm 2002, Metro bước vào thị trường Việt Nam với vị thế là nhà bán sỉ lớn nhất. Sở hữu những vị trí đắc địa tại cửa ngõ các thành phố lớn, hay khu vực ngoại thành nơi có vị trí rộng rãi, mật độ giao thông không quá cao, Metro cung cấp cho khách hàng giải pháp “đến một nơi có thể mua được nhiều hàng hóa hơn”.

            Tận dụng lợi thế theo quy mô khi khu phân phối được xây dựng rộng lớn kết hợp với việc trưng bày đa dạng các sản phẩm, Metro hấp dẫn người mua bởi giá cả mọi mặt hàng cực kỳ cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.

6. Nhận hàng từ nơi lưu trữ của nhà bán lẻ (retail storage with customer pickup)

            Có vẻ đây là phương thức giao hàng phổ biến và quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng. Trong phương thức này, khách hàng sẽ đến các kênh phân phối vật lý (physical channel) để mua trực tiếp sản phẩm. Đó có thể các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, các siêu thị,…

Tại Việt Nam, có thể kể một số chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, BigC, Coopmart, LotteMart, Vinmart hoặc các chuỗi cửa tiện hàng tiện lợi như Familymart, Circle K, B’smart,…

Nguồn: Hien Nguyen

Có thể bạn quan tâm: